Hệ thống MEP (Mechanical, Electrical, Plumbing) là một phần quan trọng trong các dự án xây dựng, đóng vai trò đảm bảo hoạt động ổn định và tiện nghi của các công trình. Trên thực tế, việc tích hợp các yếu tố MEP trong quá trình thi công và xây dựng đòi hỏi sự chuyên môn và kỹ thuật cao. Cần phải có kiến thức sâu rộng về các quy định, tiêu chuẩn và công nghệ mới nhất trong lĩnh vực này để đảm bảo tính bền vững, an toàn và hiệu quả của hệ thống. Trong bài viết này, cùng CHINT tìm hiểu chi tiết về hệ thống MEP và vai trò của chúng.
Bài viết liên quan:
Hệ thống MEP gồm các hệ thống liên quan đến cơ khí, điện và nước trong một công trình kiến trúc
(Nguồn: Satoshi Take)
1. Định nghĩa hệ thống MEP
Hệ thống MEP là gì? Hệ thống MEP (viết tắt của Mechanical, Electrical, and Plumbing) là hệ thống cơ điện trong các công trình xây dựng. Những hệ thống này đóng vai trò then chốt trong việc vận hành và bảo trì công trình kiến trúc, đồng thời đảm bảo cho các hoạt động sản xuất và làm việc trong nhà xưởng được hiệu quả và an toàn.
Hệ thống này bao gồm các hệ thống sau:
- Hệ thống cơ khí (Mechanical): bao gồm các hệ thống cung cấp và điều khiển không khí, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điều hòa không khí, hệ thống thông gió, hệ thống phòng cháy chữa cháy,…
- Hệ thống điện (Electrical): bao gồm hệ thống cung cấp điện, hệ thống chiếu sáng, hệ thống điều khiển điện,…
- Hệ thống cấp thoát nước (Plumbing): bao gồm hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý nước thải,…
2. Chi tiết các hạng mục chính của hệ thống MEP
Hệ thống MEP bao gồm 4 hạng mục chính:
2.1 Hạng mục hệ thống thông gió và điều hòa không khí
Hệ thống HVAC (Heating, Ventilation and Air Conditioning) là hệ thống thông gió và điều hòa không khí. Đây là một phần quan trọng của hệ thống MEP trong các công trình xây dựng. Hệ thống HVAC có chức năng điều tiết nhiệt độ, độ ẩm và chất lượng không khí trong các không gian khác nhau như văn phòng, khu vực sản xuất,… trong nhà xưởng.
Hệ thống HVAC được thiết kế dựa trên các nguyên lý khoa học về truyền nhiệt, cơ học chất lỏng, nhiệt động lực học. Mục tiêu của việc thi công lắp đặt hệ thống HVAC là tạo ra một môi trường làm việc có nhiệt độ và độ ẩm phù hợp, đảm bảo sức khỏe và hiệu suất làm việc của con người.
Hệ thống HVAC gồm:
- Khối xử lý không khí (Air Handling Unit – AHU) gồm có các bộ phận như quạt, lưới lọc, coil nóng/lạnh, bộ gia nhiệt… Đây là thiết bị có công suất lớn, có khả năng trao đổi nhiệt và xử lý không khí theo các tiêu chí về nhiệt độ, độ ẩm, độ sạch.
- Thiết bị xử lý không khí (Fan-Coil Unit – FCU) là thiết bị có công suất nhỏ, có cấu tạo đơn giản hơn AHU, nhưng cũng có thể trao đổi nhiệt và xử lý không khí. Các loại FCU thường gặp như kiểu áp tường/trần; kiểu giấu tường/ trần; kiểu treo tường, …
- Hệ thống Chiller là hệ thống tạo ra nước lạnh, thường được đặt trên sân thượng hoặc phòng máy kín, rồi cung cấp tới các AHU, FCU để làm mát không khí.
- Hệ thống điều hòa trung tâm (Variable Refrigerant Flow – VRF) là hệ thống có khả năng điều chỉnh lưu lượng môi chất tuần hoàn, từ đó thay đổi công suất theo nhu cầu của các không gian. VRF thường được lắp đặt trên tầng mái hay trong phòng kỹ thuật tầng hầm.
- Điều hòa cục bộ là hệ thống điều hòa không khí đơn lẻ, thường được lắp đặt trực tiếp tại các không gian cần làm mát.
Hệ thống HVAC là một phần quan trọng của hệ thống MEP trong các công trình xây dựng
(Nguồn: SYSTECH)
2.2 Hạng mục hệ thống cấp thoát nước và thiết bị vệ sinh
Hệ thống P&S (Plumbing & Sanitary) là hệ thống cấp thoát nước, được đánh giá là một phần không thể thiếu của hệ thống MEP nhà cao tầng và trong các công trình xây dựng nhà xưởng công nghiệp. Một hệ thống P&S cơ bản trong nhà xưởng sản xuất gồm 3 phần chính như sau:
Hệ thống cấp nước
Đây là hệ thống đóng vai trò cung cấp nước cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt và phòng cháy chữa cháy trong nhà xưởng. Hệ thống này gồm có hệ thống cấp nước bên trong và hệ thống cấp nước bên ngoài:
- Hệ thống cấp nước bên trong gồm các đường ống dẫn nước vào các khu vực trong nhà xưởng, hệ thống đường ống chính, ống nhánh, các van điều khiển. Hệ thống ống nhánh, ống phân phối đảm nhận việc đưa nước đến các dụng cụ vệ sinh, thiết bị sản xuất trong nhà máy và thiết bị chữa cháy.
- Hệ thống cấp nước bên ngoài được kết nối với cấp nước thành phố hoặc sử dụng hệ thống cấp nước chuyên biệt, tùy theo chức năng và quy mô của công trình. Hệ thống gồm trạm bơm cấp nước, mạng lưới đường ống chính và ống phân phối, đồng hồ nước.
Hệ thống cấp nước phải đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn theo các quy định của nhà nước và đảm bảo áp suất nước đủ cao để cấp tới các trạm cấp nước và đảm bảo tiết kiệm nước khi sử dụng.
Hệ thống thoát nước
Thông thường, trong nhà xưởng, một hệ thống thoát nước gồm:
- Hệ thống thoát nước mưa: Nước mưa là nguồn tự nhiên, thân thiện với môi trường, có thể thải trực tiếp ra ngoài mà không cần qua xử lý cũng như không gây hại cho các đường dẫn, cống.
- Hệ thống thoát nước sinh hoạt: Sau khi đã sử dụng qua, nước thải sinh hoạt được tái sử dụng cho các mục đích khác như tưới cây cối cho khu vực xung quanh nhà xưởng hoặc sử dụng cho các khu vực vệ sinh.
- Hệ thống thoát nước thải công nghiệp: Nước thải công nghiệp tiềm ẩn các nguồn kim loại, hợp chất khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường nên không thể thải trực tiếp ra ngoài mà phải qua hệ thống xử lý để loại bỏ các chất.
Hệ thống xử lý nước thải
Hệ thống xử lý nước thải sẽ có công nghệ xử lý khác nhau tùy yêu cầu, mức độ, quy mô của nhà xưởng. Nhưng về cơ bản có các thành phần sau:
- Xử lý cơ học dùng các phương pháp như lọc, lắng, tách,… để tách các cặn bẩn, chất rắn lớn, dầu mỡ,… ra khỏi nước thải.
- Xử lý hóa học dùng các phương pháp như trung hòa, kết tủa, oxy hóa,… để làm cân bằng độ pH, nước thải trong hơn và khử màu, loại bỏ các chất kim loại, hữu cơ,…
- Xử lý sinh học dùng các phương pháp như bùn hoạt tính, bể UASB,… sử dụng các vi sinh vật sống trong điều kiện hiếu khí, kị khí,… để phân hủy các chất hữu cơ gây ô nhiễm trong nước thải.
Hệ thống cấp thoát nước là một phần không thể thiếu của hệ thống MEP
(Nguồn: YottaVolt)
2.3 Hạng mục hệ thống điện
Hệ thống điện là hệ thống quan trọng nhất trong nhà xưởng, chiếm phần lớn khối lượng công trình, có khi lên tới 80%. Hệ thống điện này gồm cả điện nặng và điện nhẹ.
Điện nặng gồm:
- Hệ thống trạm biến áp, tủ trung, hạ thế
- Hệ thống các tủ điện phân phối
- Hệ thống tủ điện điều khiển máy móc
- Hệ thống ổ cắm
- Hệ thống tiếp địa
- Hệ thống chống sét
Điện nhẹ gồm:
- Hệ thống mạng LAN và Internet
- Hệ thống điện thoại
- Hệ thống camera an ninh giám sát
Hệ thống điện là hệ thống quan trọng nhất trong nhà xưởng
(Nguồn: Stock)
2.4 Hạng mục hệ thống báo cháy và chữa cháy
Hệ thống báo cháy và chữa cháy là hệ thống thiết yếu và bắt buộc phải có trong nhà xưởng. Điều này cần được chú trọng và nghiêm túc thực hiện giúp phòng ngừa và hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Hệ thống phải được bố trí và lắp đặt tại các vị trí thích hợp với chức năng của nhà xưởng.
3. Tổng kết
Hệ thống MEP có vai trò quan trọng trong việc vận hành và bảo trì công trình, đồng thời đảm bảo cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt trong nhà xưởng được hiệu quả và an toàn. Hệ thống này cũng góp phần tạo ra một môi trường làm việc có nhiệt độ và độ ẩm phù hợp, chất lượng không khí tốt, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
CHINT cung cấp các giải pháp về năng lượng cho đa dạng lĩnh vực
(Nguồn: CHINT)
Hy vọng bài viết này đã cung cấp những kiến thức hữu ích về hệ thống này trong xây dựng. Hãy liên hệ với CHINT Việt Nam để được tư vấn về những giải pháp thi công hệ thống điện cho nhà xưởng.
Bài viết và hình ảnh được tổng hợp bởi CHINT Việt Nam.
---------------------------------
CHINT VIETNAM - Văn phòng đại diện chính thức của Tập Đoàn CHINT tại Việt Nam.
Hotline: 033.258.7777
Wesbite: chintglobal.vn
Email: service.vn@chintglobal.com
Địa chỉ: Tòa nhà Sonatus - Số 15 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM